THÊM MỘT NGƯ DÂN BỊ TAI BIẾN LẶN Ở VÙNG BIỂN BẠCH LONG VĨ, HẢI PHÒNG ĐƯỢC VIỆN Y HỌC BIỂN CẤP CỨU THÀNH CÔNG

ThS Lê Thị Hồng

Trung tâm Y học dưới nước và Ô xy cao áp

Vào sáng ngày 01/01/2023, Viện Y học biển Việt Nam tiếp nhận một ca tai biến lặn. Bệnh nhân là một thợ lặn có kinh nghiệm 8 năm trong nghề thợ lặn hành nghề tại vùng biển Bạch Long Vĩ. Theo lời bệnh nhân kể lại, sáng ngày 30/12, bệnh nhân đi lặn bắt hải sản ở vùng biển Bạch Long Vĩ, độ sâu khoảng 35 mét, thời gian ở dưới đáy khoảng 1-1,5 giờ, thời gian từ đáy lên mặt nước khoảng 20 phút. Sau lần lặn thứ 3 khi lên mặt nước bệnh nhân xuất hiện yếu chân 2 bên, sau đó bệnh nhân tự tiến hành tái tăng áp tại chỗ (tại độ sâu 35m trong 10 phút, sau đó ở độ sâu 18m trong 1 tiếng). Sau lên bờ bệnh nhân đỡ tê chân, nhưng còn yếu 2 chi dưới, không đi lại được, buồn nôn, không đau đầu chóng mặt, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học biển điều trị. Sau thời gian khoảng 36 tiếng từ tàu đến viện.

Viện Y học biển tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, yếu 2 chân cơ lực 2/5, không đi lại được, đại tiểu tiện tự chủ. Bệnh nhân được chẩn đoán là Tai biến lặn typ 2 và được hội chẩn cùng Giáo sư Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc Trung tâm Y học dưới nước và Ôxy cao áp để tiến hành điều trị ngay cho bệnh nhân vì phương pháp điều trị duy nhất đối với tai biến lặn là tiến hành tái tăng áp, sau đó giảm áp kết hợp với trị liệu ôxy cao áp.

Bệnh nhân được điều trị HBO phác đồ VINIMAM 6 trong 5 giờ liên tục, sau ca điều trị, bệnh nhân có thể đứng vững, cử động được 2 chân. Ngày hôm sau, bệnh nhân được điều trị HBO phác đồ VINIMAM 3 ở áp suất 2,8 ATA trong 180 phút thở oxy và HBO phác đồ VINIMAM 2 ở áp suất 2,5 ATA trong 60 phút thở oxy 2 lần/ ngày vào những ngày tiếp theo. Hiện tại, sau 01 tuần điều trị, bệnh nhân đã đi lại bình thường, chỉ còn tê bì nhẹ bàn chân 2 bên.

Như vậy, sau quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, có thể rút ra những nguyên nhân gây tai biến lặn ở bệnh nhân này như sau:

– Thứ nhất, bệnh nhân lặn quá nhiều lần trong ngày (3 lần/ ngày), đặc biệt với độ sâu khá lớn là 35m

– Thứ hai, thời gian đáy ở lần lặn sau phải ít hơn lần lặn trước, ở bệnh nhân này, thời gian ở dưới đáy cả 3 lần đều kéo dài khoảng 1 giờ.

– Thứ ba, độ sâu của lần lặn sau phải nông hơn lần lặn trước.

Tất cả những nguyên nhân vừa nêu trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh giảm áp trên bệnh nhân.

Như vậy, để phòng ngừa tai biến lặn người lặn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sau đây:

  1. Không nên lặn quá 2 lần/ngày, khoảng cách giữa 2 lần lặn cách nhau tối thiểu 6 giờ.
  2. Thời gian ở dưới đáy tốt nhất là 30 phút trở lại (vì thời gian ở đáy nước càng lâu thì nguy cơ tai biến lặn càng cao).
  3. Độ sâu lần lặn sau bao giờ cũng phải nông hơn và thời gian ở dưới đáy nước ngắn hơn lần lặn trước,
  4. Thời gian nổi lên mặt nước phải tuân thủ qui trình giảm áp và phải dừng lại ở độ sâu 9m để có thời gian loại bỏ khí trơ ra khỏi cơ thể đặc biệt là những ca lặn sâu từ 30m trở lên (thời gian dừng tại đây tốt nhất là khoảng 15 phút trở lên).

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp thợ lặn trong cả nước bị tai biến do không có phương tiện để điều trị kịp thời, đã để lại những di chứng nặng nề. Tỷ lệ tai biến lặn cao xảy ra chủ yếu ở các thợ lặn không tuân thủ quy trình an toàn lặn, một phần do thiếu sự hiểu biết, sự chủ quan của các thợ lặn và cũng vì lý do mưu sinh mà họ bất chấp những rủi ro, nguy hiểm. Chính vì vậy, các ngư dân cũng như thợ lặn cần được trang bị những  kiến thức cơ bản về an toàn lặn, quy trình an toàn lặn và cách xử trí cấp cứu ban đầu các tai biến lặn ngay trên tàu lặn biển. Khi gặp sự cố xảy ra đặc biệt là tai biến lặn thì phải xin ý kiến tư vấn từ các trung tâm cấp cứu biển ở trên bờ hoặc trên đảo rồi vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có buồng tái tăng áp chuyên dụng để điều trị cho bệnh nhân.

Để biết thêm thông tin về điều trị các trường hợp tai biến lặn, các quy trình an toàn lặn biển cũng như cấp cứu ban đầu trên biển các ngư dân cũng như thợ lặn có thể gọi điện trực tiếp đến Trung tâm y học dưới nước và Ô xy cao áp theo số điện thoại 02253519687 (217) để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất.

 

Hình ảnh bệnh nhân trước điều trị HBOT ( hình bên trái) và sau 5 ngày điều trị HBOT ( hình bên phải)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *